CỐ GS. TRẦN THÚY: NGƯỜI ĐẶT NỀN MÓNG CHO SỰ PHÁT TRIỂN CỦA Y HỌC CỔ TRUYỀN VIỆT NAM

Tôi không có may mắn được gặp ông lúc sinh thời, nhưng qua dòng hồi ức của những người con, người bạn, những thế hệ học trò và hình ảnh còn lưu trữ lại đã giúp tôi mường tượng ra một người thầy, một người bạn, một người cha vô cùng nhân từ và đáng kính. Ông là cố Nhà giáo nhân dân – Giáo sư Trần Thúy người có công đặt nền móng cho sự phát triển của nền Y học cổ truyền Việt Nam. Dù ông đã đi xa nhưng hình ảnh, con người và phẩm chất cao quý của ông vẫn còn lưu giữ mãi trong nhiều thế hệ học trò, trong tâm tưởng của những người con…Họ nguyện gìn giữ và phát huy những giá trị mà ông đã dành cả cuộc đời để cống hiến, dựng xây. 

Khoa Y học cổ truyền Trường Đại học Y Hà Nội khang trang, sạch đẹp và ngăn nắp khác với suy nghĩ của nhiều người cổ truyền là một điều gì đó cũ kỹ, trầm mặc và lặng lẽ. PGS.TS. Đỗ Thị Phương trưởng khoa – người tiếp tục sự nghiệp của cố GS. Trần Thúy, đồng thời là học trò thân cận của ông không khỏi bồi hồi xúc động mỗi khi đến giảng đường. Cô luôn có rất nhiều cảm xúc mỗi khi bước chân vào khoa. Những hình ảnh thân thuộc gắn bó của một người thầy, những tập giáo trình thầy viết cách đây đã vài chục năm, từ khi nó còn là một tập bài giảng thô sơ dành cho bộ môn Y học cổ truyền trong những ngày đầu nhưng đến nay vẫn còn nguyên giá trị, đến hình ảnh một người thầy tâm huyết, nhanh nhẹn, hoạt bát hay cười luôn hiện lên trong tâm trí cô. Trong phòng làm việc, hình ảnh và bóng dáng thầy dường như vẫn còn đó, dõi theo những bước cô đi, những việc dở dang mà thầy chưa kịp làm hết, giờ cô là người kế nghiệp…

YHCT

(ảnh minh hoạ)

Sinh ra tại một miền quê nghèo thuộc huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, trong khi cả nước còn khốn khó và chìm đắm trong chiến tranh, cố GS. Trần Thúy không quản ngại vất vả, khó nhọc vượt qua 24km đi bộ từ nhà đến trường và từ trường về nhà để theo học tại phủ Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa lúc ấy. Con đường đi bộ bằng đôi bàn chân của ông hằng ngày dường như ngắn lại bởi trên con đường đó ông tranh thủ vừa đi vừa ôn bài. Đất nước khó khăn, chiến tranh loạn lạc, chỉ với mo cơm và một chút muối vừng mang theo ông vẫn không từ bỏ buổi học nào dù cho có mưa gió bão bùng. Hằng ngày, thức dậy từ 4h sáng, ông miệt mài tới trường bằng niềm đam mê và ý chí vượt bậc. Đôi mắt biết nói và khuôn mặt luôn cười khiến ông nhận được rất nhiều tình cảm của bạn bè, đồng môn cho tới những người lần đầu tiên tiếp xúc.

Đôi mắt xa xăm như đắm chìm vào những hồi ức, Ths. Trần Quốc Hùng, người con trai cả cũng là người theo đuổi sự nghiệp hiện đại hóa Y học cổ truyền của cố giáo sư không khỏi xúc động khi kể về cha mình. “Cha tôi đã từng theo học chuyên ngành Nội khoa tại Trường Đại học Y Hà Nội và đã từng công tác giảng dạy tại Khoa Nội Bệnh viện Bạch Mai và Trường Đại học Y. Nhưng có lẽ do cơ duyên và niềm đam mê cây thuốc nam từ thủa nhỏ, cũng là muốn tiếp bước truyền thống gia đình, trong một đợt kêu gọi các bác sỹ tình nguyện sang Trung Quốc học về Đông y của cố GS. Nguyễn Văn Hưởng – Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế khi ấy, cha tôi đã tình nguyện lên đường, bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu sâu sắc về Đông y. Gia tài cha tôi mang theo là chiếc va li cũ cùng với 20 tập bút vở để học tập và nỗi nhớ gia đình vợ con da diết khi rời xa quê hương. Trong những đêm mùa đông cô đơn lạnh giá ông đã vượt qua tất cả và không nản chí. Mặc dù những lưu học sinh khi ấy phải về nước, một mình cha tôi vẫn kiên trì ở lại, chịu đói, chịu rét, chịu cả nỗi nhớ nhà, xa xứ để kiên trì học tập và rèn luyện. Ông cần mẫn học hỏi, nghiên cứu, đúc kết những kinh nghiệm, tinh hoa của nền y học cổ truyền phương Bắc để khi trở về Tổ quốc hành lý của ông là một va li đầy sách và một quả táo nhỏ cho con trai”.

Bằng những kiến thức đã học được, cố GS. Trần Thúy khao khát được phát triển nền y học cổ truyền của nước nhà, bởi lúc sinh thời ông cho rằng nền y học cổ truyền nước ta cũng phát triển không kém Trung Quốc, đặc biệt trong những giai đoạn đất nước còn khó khăn, chính những bài thuốc nam vừa thông dụng vừa rẻ tiền đã làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng. Ông, cùng với cố GS. Nguyễn Văn Hưởng là những người đặt viên gạch đầu tiên, xây dựng nền móng cho sự hình thành của bộ môn Y học cổ truyền nay là khoa Y học cổ truyền – Trường Đại học Y Hà nội. Từ những kiến thức quý báu học được từ Trung Quốc, bằng kinh nghiệm tích lũy, nghiên cứu của bản thân ông đã miệt mài viết ra những tập bài giảng đầu tiên. Sau gần 40 năm những tập bài giảng này của ông vẫn còn nguyên giá trị và được dùng trên giảng đường. Bộ môn Y học cổ truyền, nay là khoa Y học cổ truyền do ông là người có công gây dựng, đặt nền móng đã trở thành cái nôi đào tạo chính thống những kiến thức, kỹ năng cơ bản về Y học cổ truyền cho các thế hệ sinh viên, thầy thuốc. Cũng từ chiếc nôi này, rất nhiều thầy thuốc Y học cổ truyền giỏi đã ra đời như PGS.TS.Trương Việt Bình; PGS.TS. Vũ Nam; PGS.TS. Đỗ Thị Phương và nhiều thầy thuốc Y học cổ truyền có uy tín khác… Trong kho tàng vô giá là những cuốn giáo trình mà ông để lại từ những ngày đầu chắp bút, cho đến nay những kiến thức về Y học cổ truyền, những bài giảng mà ông viết luôn được các thế hệ thầy và trò trong trường mang ra áp dụng, truyền đạt trong thực tế.

Sự kết hợp giữa Y học cổ truyền và Y học hiện đại trong điều trị bệnh cứu người là niềm đam mê, tham vọng của ông lúc sinh thời. Niềm đam mê ấy không chỉ truyền lại cho biết bao thế hệ học trò trong gần 40 năm qua mà còn truyền cho những người con của ông. Các anh, các chị vẫn đang miệt mài nghiên cứu, cống hiến để kết hợp những phương thuốc điều trị giữa Y học cổ truyền và Y học hiện đại … thực hiện mục tiêu hiện đại hóa y học cổ truyền. Đưa y học cổ truyền phát triển không đơn thuần chỉ là những “bài thuốc của thầy lang” như dân gian vẫn quan niệm. “Phát triển một nền Y học cổ truyền từ bác sĩ Y học cổ truyền thường được học theo kinh nghiệm gia truyền (cha truyền con nối) sang một môn học thực thụ được đào tạo bài bản là ước mơ của ông” – ThS. Trần Quốc Hùng kể lại.

Mặc dù, GS. Trần Thúy đã đi xa, nhưng căn phòng làm việc của ông tại nhà riêng trong ngõ nhỏ trên phố Hoàng Văn Thái, Hà Nội vẫn được gìn giữ kính cẩn và ngăn nắp. Những cuốn sách sờn gáy, bàn làm việc, tập bản thảo hay những kỷ vật suốt chặng đường làm việc luôn được vợ và các con ông lưu giữ, trân trọng. Gia tài vô giá ấy sẽ là hành trang quý báu theo chân các con ông và cả những thế hệ sinh viên sau.


Warning: Trying to access array offset on false in /www/wwwroot/yduoctuetinh.com.vn/wp-content/themes/flatsome/inc/shortcodes/share_follow.php on line 41