Từ tháng 7 này, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học chính thức có hiệu lực. Theo đó, bằng đại học chính quy và tại chức có giá trị ngang nhau.
Cuối năm 2018, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học được Quốc hội khóa XIV của kỳ họp thứ VI thông qua.
Trong đó, khoản 1 điều 38 về Văn bằng giáo dục đại học quy định: “Văn bằng giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, bao gồm bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương”.
Theo Luật Giáo dục Đại học sửa đổi, sinh viên sẽ nhận bằng có giá trị ngang nhau, dù học chính quy hay tại chức. Ảnh minh họa: Anh Tuấn.
Khoản 2 điều 38 viết: “Người học hoàn thành chương trình đào tạo, đạt chuẩn đầu ra của trình độ đào tạo theo quy định, hoàn thành nghĩa vụ, trách nhiệm của người học thì được hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học cấp văn bằng ở trình độ đào tạo tương ứng”.
Như vậy, từ tháng 7 này, bằng cử nhân sẽ không ghi hình thức đào tạo chính quy hay không chính quy (tại chức, liên thông, đào tạo từ xa). Điều này cũng có nghĩa bằng chính quy và tại chức có giá trị ngang nhau.
Quy định mới được cho là sẽ góp phần tạo điều kiện cho sinh viên đào tạo theo hình thức khác nhau có cơ hội ngang nhau trong việc tuyển dụng lao động.
Tuy nhiên, trước đó, một số chuyên gia cho rằng quy định còn nhiều bất cập, khó khả thi do trên thực tế hai loại hình đào tạo này hiện vẫn có khoảng cách lớn do cách thức tuyển sinh, quản lý đào tạo, quan niệm của xã hội và người sử dụng lao động.
Ngoài ra, Luật Giáo dục Đại học sửa đổi cũng quy định thêm về học phí và khoản thu dịch vụ khác. Theo đó, học phí là khoản tiền mà người học phải nộp cho cơ sở giáo dục đại học để bù đắp một phần hoặc toàn bộ chi phí đào tạo.
Cơ sở giáo dục đại học phải công bố công khai chi phí đào tạo, mức thu học phí, dịch vụ tuyển sinh và khoản thu dịch vụ khác cho lộ trình cả khóa học, từng năm học cùng thông báo tuyển sinh và trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học; có trách nhiệm trích một phần nguồn thu học phí để hỗ trợ sinh viên khó khăn.