NGÀNH ĐIỀU DƯỠNG LÀ GÌ? TRIỂN VỌNG PHÁT TRIỂN RA SAO?

1. Điều dưỡng là gì?

Điều dưỡng gì? Điều dưỡng là một ngành trong hệ thống y tế Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Công việc của điều dưỡng là chăm sóc sức khỏe, theo dõi, kiểm tra tình trạng của bệnh nhân, hỗ trợ bác sĩ trong việc kê toa thuốc và một số công việc khác theo sự phân công của bác sĩ phụ trách để quá trình điều trị của bệnh nhân được diễn ra nhanh chóng và thuận lợi nhất.

Người thực hiện công việc này được gọi là điều dưỡng viên. Điều dưỡng viên có thể là nam hoặc nữ, nhưng nữ phổ biến hơn, phải đáp ứng được những kiến thức nền tảng về điều dưỡng và các tiêu chuẩn của nghề được quy định trong các văn bản của Bộ Nội vụ.

Trước đây, điều dưỡng là một bộ phận của y tá. Nhưng đến nay, nó đã được tách ra và trở thành một ngành độc lập riêng trong hệ thống y tế.

2. Vai trò của điều dưỡng là gì

Khi tốc độ tăng trưởng kinh tế ngày càng cao và già hóa dân số tăng nhanh, vai trò của điều dưỡng viên ngày càng được coi trọng.

Điều dưỡng viên là phụ tá, là trợ thủ đắc lực của bác sĩ, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu, phục hồi và dự phòng bệnh tật cho bệnh nhân. Từ tuyến đầu, tuyến sau cho đến tuyến cuối đều có sự tham gia chẩn đoán, điều trị, phục hồi của điều dưỡng viên.

Tại các nước phát triển phương Tây như Mỹ, Anh hay Nhật Bản và cả những nước đang phát triển như Thái Lan, Philippines… thì người làm nghề điều dưỡng rất được coi trọng và có vai trò ngày càng cao trong công tác quản lý, chăm sóc, thăm khám và điều trị bệnh.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, vai trò của điều dưỡng viên vẫn chưa được nhận định đúng đắn. Trình độ chuyên môn cũng như khả năng thực hành của phần lớn điều dưỡng viên còn chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn.

Theo thống kê, Việt Nam thiếu trầm trọng điều dưỡng viên bởi tỷ lệ mà Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo là cứ 1 bác sĩ thì cần có 4 điều dưỡng viên. Tại Việt Nam, tỉ lệ này chỉ là 1 bác sĩ và 1.5 điều dưỡng viên. Do đó, ta có quyền hy vọng vào một tương lai phát triển hơn của nghề điều dưỡng bởi sự lớn mạnh của các cơ sở khám chữa bệnh và trường cao đẳng, đại học đào tạo ngành điều dưỡng.

Nguồn nhân lực ngành điều dưỡng đang thiếu trầm trọng

Điều dưỡng là gì? Nguồn nhân lực ngành điều dưỡng đang thiếu trầm trọng

3. Học điều dưỡng ra làm gì?

Sau khi hoàn thành chương trình học điều dưỡng ở các trường trung cấp, cao đẳng và đại học, sinh viên có thể đảm nhận các công việc dưới đây:

  • Chăm sóc bệnh nhân

Công việc này đòi hỏi điều dưỡng viên phải giao tiếp và hỗ trợ người bệnh trị liệu với thái độ và hành động quan tâm, đúng mực. Việc chăm sóc bệnh nhân hết sức quan trọng bởi con người không thể bị thay thế bởi máy móc, công nghệ, trí tuệ nhân tạo trong việc tác động tới cảm xúc của người khác và điều chỉnh hành vi cho phù hợp với từng hoàn cảnh và đối tượng cụ thể.

  • Truyền đạt thông tin tới bệnh nhân

Điều dưỡng viên cũng là cầu nối giữa bác sĩ với bệnh nhân, giúp bác sĩ truyền tải thông tin và kế hoạch chăm sóc, điều trị bệnh tới người bệnh. Để hoàn thành tốt công việc này, điều dưỡng viên cần tập thói quen ghi chép để có thể truyền đạt đầy đủ thông tin nhất cho đồng nghiệp khi giao ca, từ bệnh nhân tới bác sĩ và ngược lại, hay tới người nhà và các cơ sở y tế khác nếu bệnh nhân phải chuyển viện.

  • Tư vấn cho bệnh nhân

Người làm nghề điều dưỡng cũng tham gia vào quá trình tư vấn, giúp đỡ bệnh nhân thoát khỏi những căng thẳng về mặt tâm lý và có ý thực tự kiểm soát. Một điều dưỡng viên có thể thực hiện tư vấn cho một cá nhân hoặc một nhóm, tập thể. Điều này đòi hỏi nhân viên y tế này phải biết cách phân tích, tổng hợp và đánh giá quá trình trước, trong và sau tư vấn của bệnh nhân. Nếu làm tốt công tác tham vấn tâm lý này, người bệnh sẽ nhanh chóng khỏi bệnh hơn nhờ tinh thần thoải mái, vui vẻ.

  • Làm công tác quản lý, nghiên cứu

Thiên về tính lý thuyết một chút thì điều dưỡng viên có thể làm công tác quản lý, lãnh đạo tổ điều dưỡng. Ngoài ra, thực hiện công tác nghiên cứu cũng giúp ích cho việc phát triển nghề điều dưỡng và nâng cao trình độ của điều dưỡng viên.

  • Giảng viên

Khi đạt trình độ chuyên gia và có khả năng giảng dạy, điều dưỡng viên có thể trở thành giảng viên tại các trường trung cấp, cao đẳng và đại học trên cả nước, truyền đạt kiến thức và đào tạo những thế hệ điều dưỡng mới.

Ngoài ra, nếu có khả năng ngoại ngữ tốt, sinh viên sau khi ra trường có thể tiếp tục du học tại các nước có nền y tế và điều dưỡng phát triển như Mỹ, Đức, Nhật… để nâng cao trình độ và mở rộng cơ hội nghề nghiệp của mình tại nước ngoài.

Sinh viên ngành Điều dưỡng có nhiều lựa chọn nghề nghiệp

Sinh viên ngành Điều dưỡng có nhiều lựa chọn nghề nghiệp

4. Học điều dưỡng thi khối nào? Hình thức tuyển sinh và đào tạo ra sao?

Có nhiều hình thức tuyển sinh và đào tạo ngành điều dưỡng. Cụ thể:

  • Hình thức tuyển sinh điều dưỡng viên là gì

Phần lớn các trường trung cấp, như tại trường Trung Cấp Y Dược Tuệ Tĩnh Hà Nội có hình thức tuyển sinh là xét tuyển học bạ, những thí sinh đã tốt nghiệp THPT và có đủ điều kiện sức khỏe, kinh tế để theo học tại trường.

Hình thức tuyển sinh của các trường đại học điều dưỡng thì gắt gao hơn. Có thể là xét tuyển thẳng đối với những thí sinh đạt giải cao trong kỳ thi cấp quốc gia, quốc tế. Nhưng chủ yếu là xét tuyển theo kết quả kỳ thi THPT Quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Các tổ hợp môn dùng để xét tuyển là: B00 (Toán Hóa Sinh), A00 (Toán Lý Hóa), D07 (Toán Hóa Anh) hoặc C08 (Văn Hóa Sinh).

  • Hình thức đào tạo điều dưỡng viên là gì

Các hình thức đào tạo ngành điều dưỡng cũng rất phong phú. Có thể kể đến là hệ đào tạo chính quy, liên thông cao đẳng, liên thông đại học, văn bằng 2, hệ vừa học vừa làm…

Trên đây là một số thông tin về ngành điều dưỡng, cơ hội việc làm cũng như hình thức xét tuyển, đào tạo của ngành. Trong tương lai, đây sẽ là một ngành nghề hấp dẫn và quan trọng trong nền y tế nói riêng và trong toàn xã hội nói chung

Nguồn: thuvienquocgia